Quyền lực trong phòng thay đồ của PSG đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau dưới thời kỷ nguyên QSI. Đầu tiên là những người như Zlatan Ibrahimovic, Thiago Motta, Thiago Silva... Sau đó là giai đoạn hỗn loạn khi các ngôi sao và "phe cánh" của họ cạnh tranh quyền lực. Tiếp đến là mùa giải cuối cùng của Kylian Mbappé (2023/24), nơi lẽ ra anh phải là trung tâm, nhưng lại bị cản trở bởi các vấn đề ngoài chuyên môn.
Giai đoạn mới bắt đầu từ mùa hè năm ngoái đi kèm với câu hỏi: Liệu một dự án tập thể, bình đẳng hơn, ít phụ thuộc vào cá nhân hơn, có đủ bản lĩnh và sức mạnh để chinh phục những tham vọng cao nhất?
9 tháng sau, PSG đã cho thấy một bộ mặt hoàn toàn mới. Và dù có những thời điểm PSG xuống phong độ, họ vẫn đang đạt kỳ vọng và chuẩn bị đối đầu Arsenal tại bán kết Champions League. Đội hình hiện tại phát triển dựa trên một hệ thống lãnh đạo đổi mới với quyền lực được chia đều.
Marquinhos – Đội trưởng ôn hòa
Là đội trưởng từ sau sự ra đi của Thiago Silva năm 2020, trung vệ người Brazil đã thay đổi cách quản lý phòng thay đồ. Anh tham gia nhiều hơn, là nhân vật được tôn trọng và có kinh nghiệm. Marquinhos tập hợp các đồng đội, cổ vũ tinh thần và là cầu nối với HLV, nhưng anh không phải mẫu thủ lĩnh “thét ra lửa”. Anh ít khi lớn tiếng trong giờ nghỉ dù đội nhà chơi tệ.
Thông điệp của anh đơn giản là "cố lên các bạn", "chúng ta cần tập trung lại"... Và dù từng bị nghi ngờ về khả năng lãnh đạo, anh vẫn được đồng đội tín nhiệm bầu lại làm đội trưởng 2 năm liên tiếp.
Achraf Hakimi - Ngày càng trưởng thành
Không còn là "cận vệ" của Mbappe như lời Leandro Paredes từng chế giễu, Hakimi trong 2 năm qua đã thoát khỏi cái bóng của người bạn thân để khẳng định vị thế riêng tại Paris. Hậu vệ phải người Morocco vừa gia hạn hợp đồng tới 2029, thường xuyên đóng vai "đàn anh" đưa lời khuyên cho đồng đội trẻ, đồng thời duy trì sự máu lửa trên sân với sự tin tưởng tuyệt đối từ Luis Enrique.
Gianluigi Donnarumma - Không còn là khán giả
Từng bị đánh giá là "quá hiền", thủ môn người Italia đã trở nên cứng cáp hơn, cả trong những pha băng ra cản phá lẫn thái độ lãnh đạo hàng phòng ngự. Dù phạm vi ảnh hưởng vẫn chủ yếu giới hạn ở khu vực 16m50, Donnarumma không còn là người thụ động như trước kia.
Lucas Hernandez - Cầu nối mềm mại
Khi PSG chiêu mộ Lucas năm 2023, ngoài khả năng chuyên môn, họ còn kỳ vọng anh giúp định hình thế hệ trẻ. Lucas là chiếc cầu nối các thế hệ và các nền văn hóa trong phòng thay đồ, luôn mang lại bầu không khí tích cực. Tuy nhiên, sau chấn thương đứt dây chằng chéo trước, anh chưa thể lấy lại phong độ đỉnh cao và dần tụt hạng trong đội hình.
Presnel Kimpembe - Thủ lĩnh đen đủi
Nếu không vì chấn thương Achilles, Kimpembe có thể đã là "người lãnh đạo" số một. Là người trưởng thành từ lò đào tạo PSG, anh hiểu rõ môi trường CLB và không ngần ngại thẳng thắn lên tiếng để chấn chỉnh tập thể. Việc anh vắng mặt hiện tại tạo ra một khoảng trống lớn về cá tính trong đội hình.
Luis Enrique - Người toàn quyền
Thực tế ai cũng biết: Luis Enrique mới thực sự là "ông chủ" của PSG hiện tại. Từ chuyển nhượng, chiến thuật cho tới phương pháp huấn luyện, mọi thứ đều dưới quyền kiểm soát của chiến lược gia 54 tuổi.
Ông đã mang đến một luồng sinh khí mới, vực dậy tinh thần một CLB vốn bị hoài nghi lâu nay. Tuy nhiên, chính phong cách quản trị "một mình một ngựa" của ông có thể cản trở sự hình thành một thủ lĩnh thực thụ trong phòng thay đồ, đặt ra câu hỏi về sự phát triển dài hạn của dự án PSG.